Sự lạc quan của Thomas Edison
Một đêm tháng 12 năm 1914, phòng thí nghiệm của nhà khoa học Thomas Edison đã bị thiêu hủy trong một trận hỏa hoạn. Tổn thất hơn 2 triệu đô la, nhưng bảo hiểm chỉ đền bù 238 nghìn đô la, bởi phòng thí nghiệm của ông được xây bằng xi măng cốt thép, theo lý thì nó có khả năng phòng lửa. Tối hôm ấy những thành quả tâm huyết cả đời của Edison cũng bị thiêu rụi dưới ngọn lửa ác nghiệt.
Lúc ngọn lửa bùng cháy cao nhất, cậu con trai 24 tuổi của Edison đã kêu gào tìm cha như kẻ điên loạn. Cuối cùng thì anh cũng đã nhìn thấy cha. Edison ngồi đấy bình tĩnh nhìn ngọn lửa đang bốc cao, gương mặt của ông ngời sáng dưới ánh lửa, những sợi tóc bạc phất phơ trong gió.
“Tôi thật đau lòng khi nhìn thấy cha”, con trai của ông đã nói như thế khi viết lại câu truyện này, “cha đã 67 tuổi – ông không còn trẻ nữa – nhưng hiển hiện trước mắt ông là bao nhiêu công sức đang bị cháy theo ngọn lửa. Nhìn thấy tôi, cha vội bảo: ‘Con trai, mẹ con đâu rồi? Nhanh tìm bà ấy đến, cả đời bà ấy e rằng cũng khó thấy được cảnh tượng hùng tráng như vậy lần nữa'”.
Sáng hôm sau, Edison nhìn cảnh đổ nát và nói: “Hỏa hoạn cũng có giá trị của hỏa hoạn. Nhìn xem tất cả những sai lầm hay thiếu sót của chúng ta trước kia đều đã được ngọn lửa thiêu cháy hoàn toàn. Cảm ơn Thượng đế, lần này thì chúng con có thể làm lại từ đầu”.
Ba tuần lễ sau cơn khủng hoảng, Edison lại bắt tay vào làm việc và chiếc máy hát đĩa đầu tiên đã được ra đời.
Nguồn: Sách học làm người – Câu chuyện nhỏ hàm ý lớn.