Pi Network – Mang đến khả năng tiếp cận tiền điện tử cho mọi người

Trong những ngày đầu tiên của Bitcoin và tiền điện tử thế hệ 1.0, dường như bất kỳ ai cũng có thể đào (hay khai thác) nó bằng các máy tính cơ bản. Tuy nhiên, khi giá trị của Bitcoin tăng lên và ngày càng nhiều “thợ đào” tham gia, việc khai thác tiền điện tử trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết, đến mức giờ đây nó đòi hỏi phần cứng chuyên dụng dành riêng cho việc khai thác.

Ngày nay, người bình thường không còn tiếp cận được việc khai thác tiền điện tử nữa. Bitmain trên thực tế độc quyền về việc cung cấp thiết bị khai thác và chỉ có sáu nhóm khai thác thống trị phần lớn hoạt động khai thác BTC, với ba nhóm hàng đầu kiểm soát 50%. Hoạt động khai thác thường tập trung đến mức làm mất điện cục bộ ở Trung Quốc và có thể dẫn đến sự sụp đổ của thị trường.

Khi tiền điện tử ngày càng được “thể chế hóa” hơn, việc khai thác Bitcoin và các altcoin (các loại tiền thay thế khác) cũng sẽ chỉ tiếp tục tập trung. Tuy nhiên, việc tạo ra một loại tiền điện tử, mà đặc biệt là việc khai thác nó có thể tiếp cận được với mọi người chính là mục tiêu của Pi, một sáng kiến ​​blockchain do hai tiến sỹ về Khoa học Máy tính và Khoa học Xã hội của Đại học Stanford khởi sướng.

Pi Network là gì?

Pi được hình thành với tầm nhìn “dân chủ hóa” khả năng tiếp cận và khai thác tiền điện tử cho bất kỳ ai chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh (smartphone).

Dự án đạt được điều này bằng cách sử dụng một biến thể của giao thức Federated Byzantine Agreement (FBA). Trong khi bằng chứng công việc (proof of work) và nhiều biến thể về bằng chứng cổ phần (proof of stake) dựa trên ý tưởng về một người khai thác (miner) hoặc người xác nhận (validator) trở thành “người dẫn đầu” (leader) bằng cách đề xuất một khối để có sự đồng thuận, thì FBA hoạt động bằng một cách tiếp cận khác.

Thay vì chỉ định một nhà lãnh đạo, mô hình đồng thuận này phụ thuộc vào việc các nút (node) đạt được sự đồng thuận đối với một khối cụ thể thông qua một loạt các cuộc bỏ phiếu thông qua trao đổi thông điệp. Một loại thuật toán được biết đến rộng rãi sử dụng cơ chế như vậy để đạt được sự đồng thuận là Byzantine Fault Tolerance (BFT), được triển khai trong các blockchain khác nhau, bao gồm Ripple, Hyperledger Fabric và Zilliqa. Tuy nhiên, một bất lợi đối với các mô hình đồng thuận BFT nói chung là chúng có một điểm tập trung vì người tạo hệ thống (system creator) xác định một cách tập trung tập hợp các nút tham gia vào việc bỏ phiếu lúc ban đầu.

pi network

Dự án Pi Network

Để khắc phục rủi ro của sự tập trung, Pi sử dụng lớp FBA bổ sung cho phép mỗi nút thiết lập các “lát số đại biểu” (quorum slices) của riêng chúng theo cách phi tập trung. Tính năng này cho phép các nút tự xác định xem có nên tin tưởng các nút khác hay không, thay vì dựa vào một cơ quan trung ương để làm như vậy.

Bởi vì thông điệp liên quan đến bỏ phiếu tương đối nhẹ, đặc biệt là so với bằng chứng công việc, thuật toán đồng thuận của Pi tiêu thụ rất ít năng lượng.

Cách khai thác Pi

Người dùng có thể tham gia đào Pi bằng cách tải ứng dụng Pi Network trên điện thoại thông minh của họ. Sau đó, có thể tham gia vào 1 trong 4 (hoặc cả 4) vai trò sau:

  1. Người tiên phong (Pioneers) là người dùng trên ứng dụng di động, những người chỉ cần xác nhận sự hiện diện của họ mỗi khi họ đăng nhập vào app. Đóng góp của họ là làm cho Pi Network tiếp cận được nhiều người. Hiện tại, họ đã có thể gửi và nhận Test-Pi (tiền Pi dùng để test các giao dịch) trên Pi Testnet thông qua ví Pi của họ.
  2. Người đóng góp (Contributors) là người cung cấp danh sách những người tiên phong mà họ biết và tin tưởng. Những người đóng góp đang giúp phát triển biểu đồ niềm tin toàn cầu (global trust graph) cần thiết cho sự đồng thuận của Pi.
  3. Đại sứ (Ambassadors) là người giới thiệu những người khác vào Pi Network.
  4. Nodes là những người tiên phong và đóng góp, những người cũng chạy phần mềm Pi Node trên máy tính. Pi Nodes thực hiện việc chạy thuật toán đồng thuận của blockchain và sẽ sử dụng biểu đồ tin cậy được tổng hợp từ những người tiên phong đáng tin cậy do các cộng tác viên cung cấp.

Những người tham gia có thể đóng nhiều hơn một vai trò. Mỗi ngày, họ nhận được số Pi mới dựa trên sự tham gia và đóng góp của họ.

Giá trị hiện tại của Pi được công bố là 0. Nhóm nghiên cứu Pi tin rằng giá trị có thể được tạo ra thông qua việc tạo ra các tiện ích của tiền điện tử, nơi mọi người sử dụng Pi để giao dịch hàng hóa và dịch vụ trên quy mô toàn cầu. Những hàng hóa và dịch vụ này cuối cùng sẽ làm tăng giá trị của Pi.

Xác minh danh tính (KYC) và quyền riêng tư

Để duy trì tính toàn vẹn của mạng lưới, Pi vận hành chính sách KYC (xác minh danh tính người dùng). Người dùng phải được xác minh bằng bản sao ID (chứng minh thư) của họ để có thể chuyển Pi hiện có vào mạng lưới Pi Mainnet. Điều này ngăn chặn việc người dùng sử dụng nhiều tài khoản hoặc chạy bot tự động và các gian lận khác,… Điều đó cũng có nghĩa là Pi đang phát triển để trở thành một trong những mạng được xác minh đầu tiên và lớn nhất.

Pi Network hiện đang sử dụng nhà cung cấp dịch vụ thứ ba (third party) để bảo mật dữ liệu và quy trình xác minh danh tính. Công ty cam kết giữ dữ liệu người dùng an toàn theo chính sách bảo mật của mình và cam kết không bán hoặc lạm dụng dữ liệu KYC của người dùng.

Lộ trình và sự phát triển

Pi đã được phát triển từ năm 2018. Hiện tại, dự án đang ở chế độ Testnet. Pi Testnet, một hệ thống có thể truy cập công khai, có hơn 10.000 nút được kết nối với tính năng hoạt động ổn định, điều này sẽ khiến nó trở thành một trong những mạng phân tán lớn nhất và mạnh nhất trên thế giới khi vào giai đoạn Mainnet. Để tham gia Pi Testnet, người dùng có thể cài đặt app Pi từ mobile hoặc tải phầm mềm Pi Node dành cho máy tính từ web node.minepi.com.

Pi Network sẽ tiếp tục hoạt động trong chế độ Testnet cho đến khoảng cuối năm 2021, sau đó sẽ chạy Mainnet.

Đồng thời, đội ngũ Pi cũng đang xây dựng nền tảng Pi Utilities của mình để hỗ trợ hệ sinh thái Pi, nơi toàn bộ mạng lưới có thể đóng góp và xây dựng “con đường tạo ra giá trị” cho Pi. Dự án gần đây đã phát hành các bản cập nhật mới nhất và kế hoạch cho nền tảng Utilities trong Quý 2/2021, bao gồm tích hợp nền tảng với Pi Testnet cho phép các ứng dụng Pi của bên thứ ba yêu cầu giao dịch ví Pi của người dùng và thực hiện giao dịch trên Testnet. Khi Mainnet của Pi hoạt động, các tính năng này sẽ cho phép người dùng sử dụng Pi token của họ trong các ứng dụng dựa trên Pi (Pi-based apps). Trình duyệt Pi (Pi Browser), là một ứng dụng di động khác của Pi Network ra mắt vào tháng 3 năm 2021, cũng sẽ được tích hợp với nền tảng Utilities. Từ góc nhìn của nhà phát triển, nhóm đang làm việc trên một cổng nhà phát triển mới (developer portal) và một môi trường được chuẩn hóa để xây dựng và triển khai các ứng dụng trong hệ sinh thái.

Khách quan mà nói, Pi đang áp dụng cách tiếp cận “chậm mà chắc” để khởi chạy Mainnet, điều này trái ngược khi so sánh với các nền tảng khác. Lý do cho điều này là dự án đang sử dụng bản Beta để kiểm tra và cải thiện các giao thức, gia tăng thành viên cộng đồng và nhà phát triển, trong khi phát triển hệ sinh thái và cộng đồng. Ý tưởng là vào thời điểm ra mắt Mainnet, sẽ có một mạng lưới được thiết lập sẵn sàng hài lòng với sản phẩm và hệ sinh thái ứng dụng để sử dụng. Pi đã hoạt động ở 138 quốc gia và 52 ngôn ngữ.

Đội ngũ

Pi được thành lập bởi Tiến sĩ Nicolas Kokkalis và Tiến sĩ Chengdiao Fan. Tiến sĩ Kokkalis là giảng viên đầu tiên của Stanford về các ứng dụng phi tập trung, và dạy lớp Beyond Bitcoin tại Stanford mỗi năm một lần. Trong quá trình giảng dạy lớp dapps của mình, anh ấy đã nhận ra sự khó khăn của việc đưa công nghệ blockchain vào ứng dụng hàng ngày.

Tiến sĩ Fan có bằng Tiến sĩ Nhân học tính toán (Computational Anthropology) từ Stanford. Nghiên cứu của cô tập trung vào tương tác giữa con người với máy tính và tính toán xã hội (social computing) – cách chúng ta có thể sử dụng công nghệ để tác động tích cực đến hành vi và xã hội của con người.

Tổng cộng, nhóm Pi bao gồm 14 người đang làm việc trên toàn cầu.

Kết luận

Các rào cản để khai thác các loại tiền điện tử đang cao đến mức hầu hết những người tham gia đều bị loại trừ. Khai thác Pi trên điện thoại thông minh là một cách đơn giản và dễ dàng mà chúng ta có thể làm hàng ngày.

Tuy nhiên, giá trị của những phần thưởng đó đòi hỏi Pi phải đạt được “lực kéo” và hiệu ứng mạng. Chỉ khi có đủ số người tham gia và sẵn sàng giao dịch hàng hóa và dịch vụ trong Pi, những phần thưởng đó mới có giá trị thực. Điều đó có nghĩa là, thành công của Pi phụ thuộc vào khả năng tiếp cận đủ người và đủ tiện ích.

Nếu dự án có thể vượt qua được thách thức này, Pi Network có tất cả cơ hội để thành công khi vào giai đoạn Mainnet.

Source: Bitcoinist (Người dịch: Trần Trí Dũng)

TÀI LIỆU MARKET RESEARCH

Được biên soạn kỹ lưỡng và chỉ dành riêng cho học viên tại Công ty Cổ phần WMS

We don’t spam! Read our privacy policy for more info.

Comments are closed.