Vị ngọt những giọt cà phê
Theo lời mời của một thằng bạn, hè ấy sau một kỳ thi dài và khó khăn tôi lên Đà Lạt thăm nó. “Thành phố ngàn hoa” như người ta thường gọi, Đà Lạt với những ngọn đèo cao vút, những dòng suối trong veo và những hàng thông mát dịu hòa vào nhau tạo nên một vẻ đẹp rất nên thơ và huyền bí.
Dẫn tôi đi dạo một hồi lâu, Phong đề nghị:
– Hay mình quay về tìm một quán cà phê nào uống nhe?
– Tùy mày
– Mày nói đó nhe…
Nó bỏ lửng câu nói rồi quay xe về phía trung tâm thành phố xa dần những thảm cỏ xanh và những con đường hun hút gió.
– Vào đây đi anh! Giọng một cô gái trẻ vang lên khi chúng tôi còn chưa kịp dừng xe lại. Đôi mắt đen huyền, mái tóc lửng ngang vai cùng nụ cười vô tư, đó là tất cả những gì chúng tôi nhìn thấy ở em. Em như đã chiếm được cảm tình của Phong và tôi. Phong đề nghị:
– Ghé đây nhe mày?
Tôi đùa:
– Tùy mày vậy.
– Sao hôm nay mày dễ tính vậy?
Tôi nhăn mặt rồi đáp:
– Rừng nào cọp nấy mà!
Theo em, chúng tôi đi giữa hai hàng ghế chật hẹp vào trong dưới ánh đèn mờ ảo và đầy màu sắc.
– Hai anh ngồi đây đi, hai ghế trống đó. Hai anh uống gì?
– Cho anh hai ly cà phê đá.
Phong trả lời mà không hỏi ý tôi.
– Quán này “tươm” quá phải không?
Liếc nhanh một vòng tôi đáp
– Cũng thường thôi.
– Quán “tươm” như vậy thôi chớ mày đòi sao nữa?
Em đến cắt ngang cuộc tranh luận của chúng tôi.
Nhẹ nhàng em nói:
– Cà phê của hai anh đây. Hai anh có hút thuốc không?
Tôi lắc đầu thay cho câu trả lời. Em cười và ngồi sang hàng ghế bên cạnh cách tôi chỉ một lối đi. Tôi chỉ lên bảng hiệu tên quán và hỏi:
– Ủa, Hảo là tên ai vậy?
– Dạ anh gọi em.
– Hảo là tên quán hay tên ai vậy?
– Tên quán chớ không phải tên ai hết.
Tôi cười và chỉ vào em:
– Vậy em tên gì?
– Lina.
Em lại phải tất bật với công việc của mình khi có một vài người khách đến. Trong phim vẫn những cảnh đấm đá quen thuộc vốn là mốt của những bộ phim Hồng Kông đương thời.
Lát sau em lại đến và ngồi cạnh tôi. Tôi quay sang em và hỏi:
– Lina là tên thường gọi đúng không?
– Dạ.
– Vậy tên thật của em là gì?
– Anh hỏi để làm chi?
– Hỏi để biết.
Vẫn thái độ như thế, vẫn những câu trả lời ngắn ngủn.
– Biết để làm chi?
– Biết để sau này nếu có gặp lại anh biết phải gọi em thế nào.
– Thì cứ gọi là Lina được rồi.
Thái độ của em làm tôi nhớ đến những điều mà Phong đã nói khi tôi hỏi về những cô gái ở đây. Tôi cười như vẫn thường cười vì sự bướng bĩnh của em gái mình.
– Thôi được em không nói cũng không sao. Nhưng năm nay Lina bao nhiêu tuổi rồi?
Dường như sự “nhường nhịn” của tôi đã mang lại hiệu quả, Lina bắt đầu cởi mở hơn:
– 18 tuổi.
Em lại phải tất bật với công việc của mình khi những người khách khác đến. Ghế em ngồi bây giờ đã có chủ, cuộc trò chuyện kết thúc khi tôi còn chưa kịp biết tên em.
Sáng hôm sau tôi qua một cửa hàng bán đồ lưu niệm gần nhà Phong định mua vài món qùa về cho em gái mình.
– Em gái ơi bán đồ.
Tôi bất ngờ vì trước mặt tôi là Lina. Em cũng nhận ra tôi:
– Là anh!?
– Đúng. Nhà em ở đây?
– Dạ.
– Vậy còn quán nước hôm qua?
Em cười và nhẹ nhàng đáp:
– Đó là quán của dì em. Em chỉ qua phụ tiếp dì vài hôm thôi vì con của dì bận về quê.
Từ đó tôi quên Nga, tên thật của Lina. Em đã kể cho tôi nghe rất nhiều về em, về gia đình vả cả về những ước mơ mà em đã ấp ủ bấy lâu. Năm nay 18 tuổi, đang chờ kết qủa kỳ thi Đại học, em đang mơ ước trở thành một cô giáo, điều mà mẹ em đã không làm được trước kia.
Ngày về, thay Phong em tiễn tôi ra tận bến xe, trao cho tôi một gói quà nhỏ và nói: “Khi nào về đến nhà phải gọi điện cho em đó!”
Tạm biệt em tôi lên xe và mở gói quà ra. Bên trong là một bức tranh vẽ hình một cô gái đang hờn dỗi người mình yêu và cả một dòng chữ do chính tay em viết: “Em mong ngày khai trường đến để hiện thực hóa ước mơ của mình nhưng em sẽ buồn vì nó sẽ mang anh xa em.” Tôi cười và nghĩ: “Khờ quá! Trái đất vẫn tròn rồi anh sẽ quay lại mà vì nơi đây có một người đã cho anh biết được vị ngọt của những giọt cà phê.”
Trần Trí Dũng