Internet: Phương thức kinh doanh hay công cụ truyền thông?

Mọi người đều nhận thức được rằng internet sẽ làm thay đổi công việc làm ăn của họ giống như đối với những người khác. Nhưng thay đổi như thế nào? Và chúng ta sẽ làm gì?

Phần lớn chúng ta thường phạm vào một trong hai sai lầm trái ngược nhau: quá “tôn thờ” internet hoặc quá “thờ ơ” với nó.

Chúng ta quá “tôn thờ” internet khi cho rằng nó sẽ thay thế hoàn toàn các phương thức kinh doanh truyền thống. Dĩ nhiên, internet đang cho thấy vai trò quan trọng của nó trong mọi mặt của cuộc sống, chứ không chỉ riêng kinh doanh. Tuy nhiên, việc cho rằng internet sẽ thay thế hoàn toàn phương thức kinh doanh truyền thống thì có vẻ còn quá sớm để khẳng định, ít nhất là trong vài năm sắp tới. Và tất nhiên là loại sai lầm này cũng ít gặp.

Ngược lại, phần đông chúng ta vẫn còn đang “thờ ơ” với internet, khi cho rằng nó không hề (hoặc ít) ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của mình. Đây là một sai lầm phổ biến nhưng nghiêm trọng!

internet
Internet: Phương thức kinh doanh hay công cụ truyền thông?

Trong lịch sử nhân loại, chúng ta lần lượt chứng kiến sự ra đời của các phương tiện truyền thông đại chúng như sau:

  • Báo chí
  • Radio
  • TV
  • Internet

Thông thường các phương tiện truyền thông ra đời sau đều có những ưu điểm hơn so với các phương tiện truyền thông trước đó. Và internet cũng không phải là một ngoại lệ. Tuy nhiên, xét ở một góc độ khác, internet lại là một ngoại lệ lớn. Ngoại lệ ở chổ không chỉ đơn giản là internet có những điểm tốt hơn các phương tiện truyền thông đại chúng khác, mà sự xuất hiện của internet đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử truyền thông của nhân loại.

“Chúng tôi tin rằng rồi lịch sử sẽ xếp internet là phương tiện truyền thông vĩ đại nhất. Lý do vô cùng đơn giản: Internet là phương tiện truyền thông đại chúng duy nhất cho phép có tính tương tác.” – Cục Quảng cáo tương tác.

Thật ra, ngoài tính tương tác thì internet marketing (quảng cáo trên internet) còn nhiều ưu điểm khác. Tuy nhiên, bài viết này không nhằm mục tiêu nói về những ưu điểm của internet marketing. Chỉ một chút “gợi mở” là internet marketing cho phép các chiến dịch quảng cáo vừa thể hiện tính mass marketing (marketing đại trà) và one-to-one marketing, điều mà trước đây chưa có công cụ truyền thông nào có thể làm được.

Nhiều chuyên gia đã nhận định rằng thương mại điện tử cần phải là trọng tâm trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Và đối với các doanh nghiệp nhỏ, chiến lược tối ưu có lẽ là chuyển toàn bộ công việc kinh doanh lên internet. Tuy nhiên, như đã nói việc quá “tôn thờ” internet cũng có thể khiến doanh nghiệp gặp “khó khăn”. Thay vào đó, các doanh nghiệp nên đặt ra câu hỏi, chúng ta nên ứng dụng thương mại điện tử hoặc internet ở mức độ nào? Một cách cụ thể hơn là chúng ta nên xem internet là một phương tiện kinh doanh hay chỉ là một công cụ truyền thông? Nói một cách khác, chúng ta nên làm mọi thứ, kể cả việc bán hàng trên internet hay chỉ xem internet là một phương tiện hỗ trợ hoạt động truyền thông marketing? Đây là một vấn đề mà rất nhiều doanh nghiệp quan tâm. Để trả lời được câu hỏi này, bạn phải tự trả lời cho mình những câu hỏi sau:

  • Sản phẩm của bạn ở dạng nào, physical product (sản phẩm hữu hình) hay digital product (sản phẩm số hóa)?

Đối với các sản phẩm hữu hình thì một trở ngại mà internet không thể làm được là phân phối nó. Với các loại sản phẩm này, chúng ta vẫn cần phải nhờ tới các phương tiện vận tải truyền thống để phân phát nó. Nhưng đối với các sản phẩm số hóa, ví dụ như e-book, phần mềm, các loại hình dịch vụ như vé máy bay, ngân hàng,… thì việc phân phát nó có thể thực hiện trực tiếp trên internet. Vì vậy với các công ty cung cấp dịch vụ hoặc kinh doanh các sản phẩm số hóa có thể thực hiện việc bán hàng trên internet một cách dễ dàng, so với các sản phẩm hữu hình.

Tất nhiên, việc chúng ta kinh doanh các sản phẩm hữu hình cũng hoàn toàn có thể thực hiện toàn bộ việc kinh doanh của mình trên internet (hàm ý cả việc bán hàng), thay vì chỉ xem internet là công cụ truyền thông hay quảng bá sản phẩm. Điều này sẽ phụ thuộc vào việc chúng ta sẽ trả lời các câu hỏi phía sau.

  • Sản phẩm có đặc thù gì không?

Câu hỏi tiếp theo mà chúng ta cần nghiên cứu để quyết định sẽ kinh doanh trên internet hay chỉ xem internet là công cụ để truyền thông là sản phẩm của chúng ta có đặc thù gì không?

Bạn biết đấy, người ta có thể không đắn đo nhiều khi mua một quyển sách hay một cái USB trên mạng. Tuy nhiên, việc mua một cái áo, một đôi giày hoặc một cái đồng hồ thì sẽ rất khác. Vì sao? Vì người ta cần phải mặc áo, mang đôi giày hoặc đeo chiếc đồng hồ vào tay thì mới biết nó có vừa và hợp với mình không mà. Nói như thế không có nghĩa là khi chúng ta kinh doanh các sản phẩm kiểu như vậy chúng ta không thể bán hàng trực tuyến được. Chúng ta có thể làm điều đó, nếu chính sách đổi trả hàng của chúng ta dễ dàng, linh hoạt và không tốn phí đối với khách hàng.

  • Giá rẻ có phải là điểm mạnh của bạn không?

Ngày nay internet giúp các “thượng đế” có thể dễ dàng so sánh giá các sản phẩm với nhau. Vậy nên, nếu sản phẩm mà bạn đang kinh doanh không có sự khác biệt so với của đối thủ thì ưu thế về giá là quan trọng. Nếu không bạn sẽ khó mà có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.

  • Phí giao hàng có đảm bảo đủ thấp?

Một điểm nữa là khi thực hiện việc bán hàng qua mạng, bạn cần phải đáp ứng được yêu cầu về việc giao hàng miễn phí, hoặc chí ít là chi phí giao hàng phải rất nhỏ so với giá trị sản phẩm. Bạn biết đấy, người mua sẽ không đồng ý việc bỏ ra vài trăm ngàn mua vài quyển sách mà phải trả chi phí vận chuyển đến khoảng nữa số tiền đó.

Đó là những điểm cần lưu ý trong quá trình cân nhắc để quyết định sẽ sử dụng internet như một phương thức kinh doanh hay chỉ đơn thuần là công cụ truyền thông. Dĩ nhiên, ở đây hàm ý rằng đối tượng khách hàng mục tiêu của chúng ta thường xuyên hoặc chí ít là có sử dụng internet. Chứ nếu khách hàng mục tiêu của chúng ta toàn những người lớn tuổi và rất ít khi sử dụng internet, thì ngay cả việc sử dụng internet là công cụ truyền thông đã không phù hợp rồi, chứ đừng nói chi tới việc kinh doanh online.

Tìm hiểu thêm về ưu thế của internet marketing.

Trần Trí Dũng